Ngôn ngữ của hoa (Hanakotoba,花言葉) mỗi một loài hoa đều sẽ mang cho mình một ý nghĩa đặc biệt. Cũng như nước ta đất nước Nhật Bản là một đất nước nhiệt đới có rất nhiều loài hoa, mỗi loài không chỉ có những nét đẹp riêng mà đối với con người còn mang một tầng ý nghĩa đặc biệt.
Ý nghĩa của những loài hoa ở đất nước Nhật Bản
Hoa anh đào (Sakura - 桜)
Vào những độ xuân về, người Nhật Bản thường kéo nhau đi xem Hanami – lễ hội hoa Anh Đào nở rộ. Có thể nói đây là loài hoa được yêu thích nhất tại đất nước này bỏi nhiều công dụng của nó như sử dụng để làm mỹ phẩm, hương vị, trang trí v.v. Hoa anh đào thường có màu hồng nhạt đến màu trắng, trong khi số khác lại có màu hồng đậm, vàng hay xanh lá cây. Cũng bởi vì chúng chỉ nở và tàn trong vài ngày nên trong văn học, hoa Anh Đào được tượng trưng cho tuổi thanh xuân.
Đặc biệt, Hoa Anh Đào không chỉ tượng trưng cho vẻ đẹp cốt cách của con người Nhật mà nó còn mang đến sự thanh cao, khiêm nhường và nhẫn nhịn. Vì thế loài hoa này còn được Nhật Bản đem tặng cho các nước xem như biểu tượng của sự hòa bình của Nhật Bản với các nước trên thế giới. Đất nước Nhật Bản thường có câu: “nếu là hoa xin làm hoa anh đào, nếu là người xin làm một võ sĩ đạo”. Có nghĩa là khi người Võ Sĩ Đạo Nhật Bản gặp hiểm nguy, anh ta sẽ không run sợ trước cái chết. Bởi vì giống như loài hoa này sẵn sàng rụng xuống khi hoa còn xuân sắc nhất không khuất nhục. Họ lấy đặc điểm của hoa để làm phong cách sống cho mình, làm đẹp cho tâm hồn và cốt cách của họ.
Hoa cẩm tú cầu (Ajisai - 紫陽花)
Được phát hiện lần đầu tiên ở Nhật Bản, hoa cẩm tú cầu - một loài hoa duyên dáng và bền bỉ, cũng rất phổ biến ở Đông Nam Á. Sự đa dạng về màu sắc từ xanh dương, xanh lá cây đến hồng nhạt làm cho nó trở nên rất bắt mắt với người nhìn. Trong ý nghĩa hoa tại Nhật Bản, nó tượng trưng cho những cảm xúc chân thành. Nhưng theo nghĩa tiêu cực hơn thì lại là sự vô tâm và lãnh đạm nên nhiều người ở Nhật tránh chọn cẩm tú cầu làm quà tặng dù nó có sở hữu vẻ đẹp thu hút đi chăng nữa.
Có một câu chuyện hay về tình yêu đẹp nhưng buồn gắn kết với loài hoa cẩm tú cầu tại Nhật này. Quay trở lại thời kỳ Edo, một bác sĩ người Đức tên là Siebold làm việc tại tỉnh Nagasaki, đem lòng yêu một cô gái Nhật Bản tên là Otaki. Tuy nhiên, Siebold sau đó đã bị trục xuất khỏi Nhật Bản và khi đi, anh mang theo hoa cẩm tú cầu về nước. Nghĩ về người mình yêu, anh đặt tên cho bông hoa là Otakusa. Do đó, loài hoa này còn là biểu tượng cho tình yêu bền bỉ, kiên trì.
Hoa cúc (Kiku - 菊)
Bên cạnh hoa anh đào thì hoa cúc ở đát nước Nhật Bản cũng được xem là loài hoa biểu tượng cho đất nước này. Ở Nhật Bản, đây là loài hoa đại diện cho mùa thu. Trong văn hóa Nhật Bản, từ xa xưa, người dân nơi đây đã xem hoa cúc là biểu tượng quan trọng mang những ý nghĩa đặc biệt. Giống hoa cúc gây sự chú ý nhiều nhất ở Nhật có tên Atsu-mono hay còn gọi là Hậu vật cúc. Mỗi bông có đến 300 cánh hoa, các cánh hoa ở dạng hình cong hướng lên trên, được xếp tuần tự lên nhau tạo thành môt đóa hoa đầy đặn, to tròn thể hiện cho sự phúc hậu.
Trong tiếng Nhật, “kiku” là sự cùng tồn tại tương phản giữa vẻ thuần khiết và cả những đau buồn. Hoa cúc trắng thường được sử dụng trong đám tang trong khi đó, hoa cúc đỏ được dùng để tặng cho những người bạn yêu quý. Vậy nên, hãy cẩn thận với ý nghĩa từng màu sắc của hoa cúc.
Hoa tử đằng (Fuji - 藤)
Hoa tử đăng là một loài hoa của mùa xuân với màu sắc là sự kết hợp của màu trắng và màu tím. Những màu yêu thích của hầu hết các cô gái tại đất nước Nhật Bản. Vì lý do đó, Fuji được sử dụng cho các mẫu thời trang, đặc biệt là kanzashi và kimono. Ý nghĩa đằng sau loài hoa được xem là xinh đẹp nhất nhì này là sự quý phái.
Màu tím trong xã hội xưa là một màu cao quý nhất, thuộc nhóm màu cấm và chỉ được dùng cho Hoàng gia và giới quan chức cấp cao, trong Phật giáo thì những nhà sư có phẩm hạnh cao cấp mới được phép mặc y phục màu tím, còn lại những người dân bình thường bị cấm hoàn toàn. Lí do là vì màu nhuộm tím lúc này chỉ có thể tìm thấy ở cây tía tím Shigusa. Vốn là loài cây rất khó phát triển và hiếm, nên giá thành của nó rất đắt. Đến thời Edo (thế kỷ 17-19) khi loài cây Murasaki-sou được trồng nhiều thì trang phục màu tím mới trở nên phổ biến.
Ở đất nước Nhật Bản, tham quan một vườn hoa là một trong những hoạt động khá phổ biến. Nếu bạn đang có dịp sinh sống và làm việc tại đất nước này. Đừng quên bỏ cho mình một chút thời gian để thưởng thức những nét đẹp tuyệt với cũng như ý nghĩa độc đáo của mỗi loại hoa nơi đây.