Nguồn gốc ra đời của Lễ hội Obon
Lễ hội Obon (お盆) là một lễ hội Phật giáo ở Nhật Bản đã ra đời từ hơn 500 năm trước. Chuyện kể rằng, một đệ tử Phật giáo tên là Mokuren (Mục Kiền Liên) đã tu luyện nhiều năm và biết được nhiều pháp thuật. Ông đã sử dụng pháp lực để tìm người mẹ quá cố vì quá nhớ thương. Sau khi nhìn thấy những đau khổ mà mẹ mình phải trải qua ở địa ngục vì sự ích kỷ và những tội ác của bà khi còn sống, Mokuren đã tìm đến Đức Phật hỏi cách giải thoát cho bà.
Trước sự hiếu thảo của Mokuren, Đức Phật đã chỉ cho Mokuren cách để giải thoát linh hồn của người mẹ quá cố là mang đồ cúng bái các nhà tu hành vào ngày 15 tháng 7 âm lịch. Nhờ đó, cuối cùng mẹ của Mokuren cũng đã thoát khỏi sự đày đọa nơi địa ngục. Ông thật sự rất hạnh phúc, vui mừng và đã nhảy múa khi gặp lại linh hồn người mẹ. Từ đó, lễ hội Obon đã ra đời và điệu múa của Mokuren cũng trở thành một nét đặc trưng của lễ hội.
Lễ hội Obon có ý nghĩa như thế nào?
Những yếu tố tâm linh trong câu chuyện đã trở thành một ý niệm của người Nhật Bản. Họ tin rằng những người đã khuất sẽ trở về thăm họ hàng trên trần gian. Đây chính là dịp để con cháu được thể hiện lòng biết ơn và thương nhớ với những người đã khuất, đồng thời cũng cầu nguyện cho cuộc sống ở thế giới bên kia của người thân luôn được mát mẻ. Với những ý nghĩa hết sức thiêng liêng như vậy, lễ hội Obon đã trở thành một nét văn hóa không thể thiếu và được giữ gìn cho đến tận bây giờ.
Trình tự diễn ra lễ hội Obon
Tùy theo khu vực khác nhau mà thời gian diễn ra lễ hội Obon ở Nhật Bản cũng khác nhau:
- Tokyo, Tohoku, Yokohama: sẽ diễn ra vào ngày 15/7 dương lịch.
- Vùng phía Bắc Kanto, Shikoku, Chugoku và các đảo ở phía Tây Nam: diễn ra vào ngày 15/7 âm lịch.
- Cố đô Kyoto: diễn ra vào ngày 15/8 dương lịch, đây cũng là phổ biến nhất.
Ngày 12/8: “Chuẩn bị đón tổ tiên”
Theo văn hóa Nhật Bản, để chuẩn bị đón tổ tiên về trần gian nhanh chóng nhất thì người Nhật thường sử dụng que tăm hoặc đũa cùng với dưa chuột tạo thành những “chú ngựa thiêng”. Trong khi những con bò được làm từ cà tím sẽ được dùng để người thân cưỡi khi quay về thế giới bên kia một cách từ từ.
Ngày 13/8: “Lửa đón”
Vào ngày này, người Nhật sẽ sử dụng thân của cây gai “Ogara” đã được bẻ nhỏ để đốt lửa. Người Nhật quan niệm rằng những đám khói khi đốt lửa như vậy sẽ giúp cho linh hồn của người đã khuất quay về với gia đình một cách an toàn mà không bị lạc đường.
Ngày 14/8 và 15/8: “Viếng mộ”
Vào 2 ngày này của lễ hội Obon, các gia đình thường sẽ đến viếng mộ, dọn dẹp và cúng bái tổ tiên. Người Nhật thường sẽ chuẩn bị hoa quả và các loại bánh truyền thống. Sau đó họ hàng và người thân trong gia đình sẽ cùng nhau tập trung ăn uống để tưởng nhớ người đã khuất.
Ngày 16/8: “Lửa đưa”
Đây là ngày cuối cùng của lễ hội Obon và người Nhật sẽ phải tạm biệt tổ tiên. Tương tự như lúc đốt lửa để đón người thân về thì vào ngày này, sau khi đã chuẩn bị đầy đủ thì người Nhật sẽ đốt lửa để dẫn đường cho tổ tiên, người thân đã khuất về với thế giới bên kia.
Cũng vào ngày cuối cùng của lễ hội, hàng ngàn người dân Nhật Bản sẽ đổ về Kyoto để xem các ngọn lửa đã được thắp sáng và các điệu múa truyền thống của lễ hội Obon là Daimoku và Sashi. Kết thúc lễ hội sẽ là lúc để mọi người thả đèn lồng và thuyền hoa đăng để đưa tiễn linh hồn của người thân. Lễ hội Obon là một lễ hội có giá trị tinh thần dân tộc cao, được người Nhật bảo tồn cho đến tận bây giờ. Do đó, nếu có cơ hội hãy tận hưởng những điều thiêng liêng và đẹp đẽ nhất của lễ hội này nhé!