Đối ứng trôi chảy khi đi xin việc tại Nhật trước những câu hỏi của nhà phỏng vấn sẽ giúp bạn sẽ là ứng cứ viên hàng đầu được trúng tuyển. Và với những kinh nghiệm dưới đây phần trăm bạn làm được điều này sẽ cao hơn đấy!
Giới thiệu bản thân rõ ràng và đầy đủ
Thông thường, để gây ấn tượng cho nhà tuyển dụng, các ứng viên thường tập trung vào việc nói sao cho hoa mỹ và văn vẻ thay vì cung cấp đầy đủ và chính xác các thông tin cơ bản về chính bản thân mình. Dưới đây là các gạch đầu dòng để tránh bạn trán bị “lạc đề” nhé:
Trước khi giới thiệu bản thân, hãy nói はじめまして.
- Giới thiệu tên: 私は~と申します.
- Giới thiệu tuổi: 年齢は21歳です/21歳です.
- Giới thiệu quê quán, nơi sống: ハノイに住んでいます。 (Tôi đang sống ở Hà Nội).
- Giới thiệu trình độ học vấn: 工科大学を卒業しました。 (Tôi tốt nghiệp đại học Bách Khoa).
- Giới thiệu nghề nghiệp: 私はエンジニアです。 (Tôi là kỹ sư).
Thể hiện rõ mong muốn và nhiệt huyết của bạn cho vị trí đang ứng tuyển
Mục đích của nhà tuyển dụng khi hỏi “Lý do bạn ứng tuyển vào công ty là gì?” (なぜ我が社に応募したいですか?)là để đánh giá mức độ nhiệt huyết của ứng viên và cân nhắc xem liệu mong muốn làm việc của bạn có phù hợp với phương châm làm việc của công ty hay không. Trong trường hợp này, hãy chia sẻ những điểm hấp dẫn của công ty với bạn và thể hiện chân thành mong muốn được đóng góp vào sự phát triển của công ty.
Nêu bật điểm mạnh, khéo léo nói về điểm yếu
Điểm mạnh của bạn là gì? (あなたの長所は何ですか?) Với câu hỏi này, nhà tuyển dụng muốn tìm hiểu xem các kiến thức/kỹ năng của bạn có thực sự phù hợp với công việc đang ứng tuyển hay không. Vì vậy, bạn hãy tìm hiểu thật kỹ bản Mô tả công việc để nắm được các kiến thức, kỹ năng và tố chất mà nhà tuyển dụng mong muốn.
Và bạn có thể sử dụng mẫu câu sau để trả lời: Tôi có điểm mạnh là…, Tôi tự tin là mình có thể…
私の長所は向上心です。
自らに高い目標を課し、目標に向けて行動していくことができます。
(Điểm mạnh của tôi đó là người có tham vọng, luôn khao khát vươn lên trong cuộc sống. Tôi luôn đặt ra cho mình những mục tiêu, và rèn luyện, thực hiện để đạt được những mục tiêu đó).
Vậy với câu hỏi “Điểm yếu của bạn là gì?” (自分の短所は何ですか?) thì sao? Bạn đừng vội vàng tự nhận mình là con người “hoàn hảo không tỳ vết”, thay vào đó, hay kể ra những nhược điểm “vô thưởng vô phạt” và có khả năng không mang lại bất kỳ ảnh hưởng xấu nào cho công việc bạn đang ứng tuyển nhé. Ví dụ như 「私はうたが下手です。」(Tôi hát không hay!) chẳng hạn!
Không lơ là việc chuẩn bị
Nếu như phỏng vấn bằng tiếng Việt, khi gặp nhiều câu hỏi bạn có thể có ngay được phương án trả lời và diễn đạt ra một cách dễ dàng, bởi đó là ngôn ngữ mẹ đẻ của bạn, đó là còn chưa kể khả năng chém gió vô đối của nhiều người, khả năng đó giúp họ tuỳ cơ ứng biến rất tốt, và thường là họ sẽ tự tin tới mức không cần chuẩn bị gì và lao ngay tới nơi phỏng vấn. Phỏng vấn bằng tiếng Nhật lại khác, nó phụ thuộc vào trình độ tiếng Nhật của bạn, trong nhiều tình huống giao tiếp bạn chưa gặp, dù hiểu được câu hỏi, nhưng việc diễn đạt lại ý của mình một cách chọn vẹn đôi khi không phải dễ chút nào, diễn đạt một cách trôi trảy tự nhiên lại càng khó hơn, ngay cả những pro tiếng Nhật cũng phải có những thời gian chuẩn bị, ít nhất là trong quá khứ.
Biết cách cư xử đúng trước phỏng vấn
Hãy lựa chọn trang phục tham dự phỏng vấn phù hợp, bạn nên chọn trang phục trang trọng, lịch sự, nếu thắt ca vát, bạn nên kiểm tra lại ca vát xem có bị lệch hoặc nút thắt có bị lệch không, nếu bạn mặc vét, chớ quên cái cúc giữa, không nên để vét tung ra như 2 cái cánh. Ấn tượng ban đầu thường rất quan trọng, do vậy bạn nên cẩn trọng.
- Gõ vào cửa 3 tiếng và nói :
Shitsurei shimasu (失礼します / しつれいします) – Xin lỗi, tôi có thể vào được không ạ?
- Đợi. Không bước vào cho tới khi bạn nghe thấy tiếng của người phỏng vấn :
Douzo (どうぞ) – xin mời vào
- Bạn vào phòng, đóng cửa lại, đối mặt với bàn phỏng vấn và lại nói “shitsurei shimasu” (bạn cũng có thể chào ohayo gozaimasu trong trường hợp này) và cúi chào.
- Bước tới bên cạnh ghế của bạn và giới thiệu :
“__tên bạn____to moushimasu. Douzo yoroshiku onegai shimasu”
(tên bạn と申します。どうぞ宜しくお願いします/ともうします。どうぞよろしくおねがいします).
“Tên tôi là _____, Rất mong nhận được sự giúp đỡ !” và cúi chào sau khi nói xong
- Người phỏng vấn sẽ mời bạn ngồi :
“Douzo suwatte kudasai“ (どうぞ、座って下さい/ どうぞ、すわってください) – “Mời bạn ngồi xuống”
- Bạn chớ nên ngồi khi chưa nghe thấy câu mời như vậy.
Cách bạn ngồi cũng rất quan trọng : bạn nên ngồi thẳng lưng 1 cách tự nhiên. Không tựa ra sau. 2 chân đặt song song cạnh nhau. Tay đặt nhẹ nhàng trên đùi. Đây là tư thế khá thoải mái, không gò bó giúp bạn ngồi được lâu trong phỏng vấn. Bạn hãy thả lỏng và ngồi tự nhiên trong tư thế này, không nên gò cứng cơ thể, trông thiếu tự nhiên.
Thể hiện sự hiểu biết về công ty bạn đang ứng tuyển
Bạn biết gì về công ty chúng tôi? (我が社について何を知っていますか?) Đây là câu hỏi mà nhà tuyển dụng dùng để đánh giá về mức độ quan tâm và sự am hiểu của bạn về công ty. Vì thế, hãy dành thời gian để tìm hiểu về lịch sử hình thành và phát triển, sản phẩm/dịch vụ của công ty, khách hàng, đối thủ cạnh tranh, một vài dự án nổi bật… của công ty đó. Đặc biệt, nếu công ty IT có các sản phẩm về phần mềm hay ứng dụng, bạn có thể dùng thử và chia sẻ với nhà tuyển dụng về trải nghiệm của mình như: Những tiện ích mà sản phẩm mang lại, những điểm cần khắc phục, các giải pháp giúp khách hàng có những trải nghiệm tốt hơn. Nếu làm được điều này, chắc chắn bạn sẽ tự mang về cho mình những điểm cộng rất lớn đấy!
Đừng quên nói lời cảm ơn và chào tạm biệt khi kết thúc buổi phỏng vấn
Việc này tuy nhỏ nhưng lại là một trong những yếu đố quan trọng đánh giá văn hóa ứng xử của ứng viên. Khi kết thúc buổi phỏng vấn, bạn hãy nói câu cảm ơn 「どうもありがとうございました。」. Sau đó, bạn hãy đứng lên, lùi sang cạnh ghế, nói 「失礼します。」 rồi cúi chào sâu. Khi đi về phía cửa, bạn cũng nên cúi chào một lần nữa trước khi đóng cửa ra về.
Một buổi phỏng vấn là dịp vô cùng quan trọng để bạn thể hiện năng lực của bản thân cũng như mong muốn được làm việc cho công ty đó, vì vậy, hãy có sự chuẩn bị thật tốt để không bỏ lỡ bất kỳ cơ hội nào nhé.
Nêu bật định hướng nghề nghiệp
Nếu được hỏi về định hướng nghề nghiệp hay mong muốn phát triển khi làm việc tại công ty đang ứng tuyển, bạn đừng nên trả lời những câu như “Vì công ty lớn” hay “Vì tôi thích sản phẩm của Công ty”, cũng đừng trả lời quá chung chung như mong muốn đóng góp cho xã hội hay muốn tìm môi trường giúp bản thân trưởng thành hơn. Những câu trả lời như vậy thường sẽ không được đánh giá cao vì bạn có thể làm được điều này ở bất kỳ công ty nào. Vậy, câu trả lời nào sẽ được đánh giá cao?
Hãy dựa trên những kinh nghiệm trong quá khứ, kết hợp với định hướng công việc của bản thân và đặc trưng của công ty, từ đó, thể hiện sự tin tưởng rằng đây sẽ làm môi trường phù hợp để bạn phát triển những kinh nghiệm và kỹ năng đã có.
Với những đối ứng với người tuyển dụng trên đây khi đi phỏng vấn khi đi xin việc tại Nhật hi vọng rằng bạn sẽ chiếm được sự chú ý và đạt được kết quả như mong muốn. Chúc các bạn ngày càng thành công hơn!